Thursday, April 16, 2015

Giai Điệu Và Ca Từ Trong Nhạc Sáng Tác

Giai Điệu & Ca Từ 


Một hôm , nhân nghe hai người bạn trong trang nhóm Bạn Nhạc bàn về giá trị của Ca Từ trong nhạc sáng tác...nên tôi có vài suy nghĩ liên quan đến tiết mục này…Từ đó muốn tìm hiểu xem môt bài hát có GIAI ĐIỆU & CA TỪ hay từ đâu đến?  

Có câu nói: «Không ai có thể dậy ta sáng tác…Nhưng sách có thể giúp ta có thêm kiến thức về kỹ thuật sáng tác»….

Đúng vậy, sách giúp ta tìm hiểu về kỹ thuật sáng tác…Nhờ đó giúp ta biết cách giàn dựng câu chuyện lồng vào nội dung bài hát, cũng như biết cách xử dụng các hợp âm để tạo giai điệu cho bài hát theo ý ta muốn...

Giai điệu và ca từ có một mối tương quan rất mật thiết với nhau - Giai điệu ví như mũi kim nhọn xuyên thấu khung thêu, còn chỉ màu để lại trên khung vải hình ảnh và màu sắc của mẫu thêu vậy. Nói một cách khác, Giai điệu đẹp dễ thẩm thấu qua tai người nghe, còn Ca từ hay để lại một ấn tượng đẹp trong tâm tư người thưởng ngoạn.

GIAI ĐIỆU: Giai điệu phải mới mẻ, không trùng lập với bât cứ một bài hát nào của ai hoạc của chính mình…
Tôi nghĩ mỗi người viết nhạc trong chúng ta có một lối viết nhạc khác nhau là bởi khuynh hướng nghe nhạc cũng như khiếu thẩm mỹ âm nhạc khác nhau. Do vậy, những giai điệu mà ta tạo ra được lấy ra từ kho tàng âm thanh mà ta đã tích lũy từ nhiều năm tháng kết tụ lại từ lâu trong tâm trí ta. Và trong một khoảng khắc ngẫu hứng chúng ta đã bắt gặp nắm bắt nó đem thêu dệt thành giai điệu cho một đoạn nhạc hay cho một ca khúc….

CA TỪ: Ca từ là phần quan trọng không kém Giai điệu. Ca từ có thể là thơ hoạc lời thường. Nó có thể là hư cấu và  cũng có thể là câu chuyện thật... Nó gồm nhiều dạng và tính chất khác nhau như từ .. thơ,điển tích, mỹ từ hay những từ tượng thanh, tượng hình, và bao gồm cả các từ siêu thực, hiện thực hay ẩn dụ hoạc cách chơi chữ- đảo ngữ v.v…Dù bất kể ở thể loại nào ta nên lồng vào đó "cái hồn» hay cảm xúc, để nó  chuyên chở nội dung của  bài hát đến với người nghe . Cái ấn tượng còn lưu lại trong lòng người thưởng ngoạn có được nhiều hay ít tùy thuộc vào tính chất nghệ thuật mà tác giả xử dụng ca từ. Như vậy cho thấy cái vốn liếng ca từ mà tác giả có được do khuynh hướng thâu thập từ ngữ trong văn thơ, điển tích cũng như cách biết nhân cách hoá sự vật để làm cho ca từ trở nên linh hoạt, sống động.

Nhưng làm thế nào để ta có thể tạo Giai điệu và Ca từ hay cho một ca khúc. Dĩ nhiên thường là ngày chúng ta phải nghe nhiều nhạc hay, đọc nhiều thơ văn hay, thâu thập những mỹ từ và tập vận dụng các từ có tính cách tượng thanh, tượng hình, cũng như biết cách nhân cách hoá sự vật - Cho chúng mang những cảm xúc của nhân vật trong câu chuyện tình yêu . Khi ta vui, chúng vui theo, khi ta buồn chúng cũng buồn bàng hoàng man mác. Chúng chuyển tải đến cho người nghe cái cảm giác vui buồn theo nội dung của hát.  Còn Giai điệu chúng ta rút ra từ những âm thanh vang vọng trong hồn ta tích lũy từ nhiều năm tháng qua trong đầu ta. Cũng có thể là do những khúc dạo trên phím đàn hay những lúc ta ngân nga câu hát mà ta rút tỉa ra từ đó.

Tóm lại, cũng giống như một em bé viết chữ, tập vẽ  và tô màu vậy…Lúc đầu em cứ tô theo mẫu chữ…Riết rồi ngày qua tháng nọ, tay em quen thuộc với đường nét mẫu chữ. Sau một thời gian em có thể tự viết chữ buông, không cần viết theo mẫu nữa. Sáng tác Giai điệu và Ca từ cũng tương tự như thế…lúc đầu là ta vay mượn, nhưng dần dần ta cũng tự sáng tạo lấy Giai điệu và Ca từ cho những sáng tác của mình. Vẫn biết rằng có người có năng khiếu âm nhạc do bẩm sinh. Nhưng cũng có nhiều người do đam mê âm nhạc, chuyên cần học hỏi và tập luyện rồi một ngày nào đó họ cũng thành công trong việc sáng tác. Như ông Edision đã nói: "Thiên tài là mồ hôi" vậy.

Nhật Vũ 


Texas (April-16-2015)

No comments:

Post a Comment